Hội thảo “Tăng cường hợp tác công tư – thúc đẩy phát triển bền vững ngành y tế” được Báo Đầu tư tổ chức ngày 18-5 với sự tham dự của các chuyên gia từ Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam, chuyên gia cao cấp về y tế của Ngân hàng Thế giới (WB), Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) và đại diện các doanh nghiệp y tế, dược phẩm nước ngoài.

Thông tin được công bố tại hội thảo cho biết Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn của các doanh nghiệp trong lĩnh vực y tế và dược phẩm. Theo Công ty nghiên cứu thị trường Fitch Solutions, chi tiêu y tế tại Việt Nam dự kiến đạt 23 tỉ USD vào năm 2022.

Chi tiêu y tế tại Việt Nam dự báo đạt 23 tỉ USD trong năm nay 2022 - Ảnh 1.

Các diễn giả tham gia hội thảo – Ảnh: Chí Cường

Trong khi đó, nghiên cứu của Công ty khảo sát thị trường quốc tế Business Monitor International (BMI – tổ chức nghiên cứu, đánh giá về kinh tế, tài chính hàng đầu thế giới có trụ sở tại London, Anh) cũng cho thấy ngành dược phẩm Việt Nam có thể đạt quy mô 16,1 tỉ USD vào năm 2026.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông, nâng cao chất lượng trong lĩnh vực y tế, phấn đấu đáp ứng nhu cầu về nguồn lực y tế của người dân thì việc huy động các nguồn lực tài chính cho đầu tư mới vào cơ sở hạ tầng và thiết bị là yêu cầu rất quan trọng.

Tại Việt Nam, chủ trương, quan điểm của Đảng về cơ chế thu hút nguồn nhân lực tư nhân vào phát triển kết cấu hạ tầng đã được cụ thể hóa trong quá trình xây dựng luật PPP. Tuy nhiên, công tác triển khai luật PPP còn gặp nhiều hạn chế.

Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, đến năm 2019 có 58 dự án thuộc danh sách dự án PPP trong lĩnh vực y tế được đề xuất. Tuy nhiên, trong những án này, chỉ có 13 dự án thực hiện đến bước báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, 6 dự án đến giai đoạn báo cáo nghiên cứu khả thi, 5 dự án đến giai đoạn đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư, và có 2 dự án đến giai đoạn ký kết hợp đồng.

Các dự án PPP trong lĩnh vực y tế hầu hết tập trung ở một số tỉnh: TP Hà Nội (1 dự án), TP HCM (6 dự án), Hải Phòng (1 dự án), Đà Nẵng (1 dự án), Quảng Ninh (2 dự án), Quảng Nam (1 dự án), Cà Mau (1 dự án), Bến Tre (1 dự án).

Mặc dù đây là lĩnh vực tiềm năng, nhưng vẫn chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư. Từ năm 2019 đến nay, trong lĩnh vực y tế chưa có thêm dự án đầu tư theo hình thức PPP.

Chi tiêu y tế tại Việt Nam dự báo đạt 23 tỉ USD trong năm nay 2022 - Ảnh 2.

Nhiều máy móc hiện đại tại các bệnh viện được sử dụng theo hình thức liên doanh, liên kết – Ảnh minh hoạ

Tại hội thảo, một số ý kiến cho rằng cho biết Việt Nam có tiềm năng phát triển hình thức đối tác công tư đầy hứa hẹn, với nguồn nhân lực năng động, tầng lớp thu nhập trung bình ngày càng tăng, nhu cầu về các sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao cũng đang tăng.

Hình thức đối tác công tư trong lĩnh vực dịch vụ có thể mở ra những đóng góp hơn nữa từ khu vực tư nhân nhằm hướng tới một hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn diện, tiên tiến và bền vững. Như vậy, khung pháp lý chính là chiếc chìa khóa giúp tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh , tạo ra môi trường bền vững và có thể dự đoán được.

Cũng tại hội thảo, một số ý kiến cho rằng Việt Nam trở thành điểm đầu tư có giá trị gia tăng cao trong lĩnh vực dược phẩm trong số các quốc gia ASEAN. Tuy nhiên, vẫn còn những rào cản khi kinh doanh tại Việt Nam, trong đó cần có một khung pháp lý phù hợp hơn để thúc đẩy PPP phát huy hết tiềm năng của hình thức đầu tư này.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) là phương thức đầu tư được thực hiện trên cơ sở hợp tác có thời hạn giữa Nhà nước và nhà đầu tư tư nhân thông qua việc ký kết và thực hiện hợp đồng dự án PPP nhằm thu hút nhà đầu tư tư nhân.

Lĩnh vực y tế và quy mô đầu tư trong lĩnh vực y tế đã được quy định cụ thể trong luật PPP và Nghị định 35/2021/NĐ-CP.

N.Dung