Người con bị mắc Covid-19 vừa nhập viện hai ngày thì người mẹ cũng bị và điều trị cùng một chỗ. Nhưng không ai có thể liên lạc với ai. Sau đó, người con được chuyển sang một khu điều trị khác, còn người mẹ vẫn nằm ở đó cho tới khi qua đời. Người mẹ vào bệnh viện hai hôm thì ở nhà người cha cũng dương tính và qua đời chỉ sau một ngày khó thở.

Chiếc vòng để lại - Ảnh 1.

Cầu nguyện cho những người qua đời vì Covid-19 tại Hội trường Thống Nhất (quận 1, TP HCM) tối 19-11-2021 Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Chiếc vòng để lại - Ảnh 2.

Hai chiếc vòng cẩm thạch, kỷ vật để lại của mẹ bạn. Ảnh: TNT

Ðó là câu chuyện của bạn tôi trong những ngày tháng 8-2021, khi đại dịch Covid-19 “càn quét” dữ dội như sóng thần ập qua thành phố.

Tang trùng tang. Vừa cúng 49 ngày cho cha lại cúng 49 ngày cho mẹ. Vừa cúng lễ tất khốc (lễ thôi khóc) 100 ngày cho cha thì ba ngày sau lại nấu mâm cúng 100 ngày cho mẹ. Có người nói hai người mất cận kề nhau, sao không gộp lễ cúng một ngày cho tiện? Bạn bảo đây là chuyện tâm linh, chuyện lòng thành con cháu nên không thể nói tiện hay lợi. Thực ra thì trong tâm trí bạn, dẫu đã trở lại những ngày “bình thường mới”, vẫn chưa thể nguôi ngoai nỗi đau mất mát đấng sinh thành. Cuộc sống của bạn, lâu nay chỉ mãi quay theo công chuyện làm ăn, chưa từng biết những lễ nghi cúng kiếng thì mất mát, vô tình lại dạy cho bạn bài học vỡ lòng về thờ tự.   

Tôi đã ngồi cùng bạn nhiều buổi cà phê để nghe bạn tâm sự. Cùng tuổi con trâu với nhau, chỉ khác bạn sinh ra và lớn lên ở thành phố này, còn tôi thì đến đây khi 18 tuổi. Mấy chục năm ở đây, biết bao khó khăn lận đận nhưng thực sự chưa bao giờ trải qua những ngày kinh hoàng vì con virus corona như thế này.

Suốt hơn một tháng trời, tôi cùng những người bạn thiện nguyện ngồi trên những chiếc xe bán tải, đi lại trên những con đường của thành phố, tay xách nách mang thực phẩm vào những con hẻm hun hút và bít bùng rào chặn. Chúng tôi như đi giữa hàng trăm phận người, mà cảnh đời nào cũng chênh vênh thương cảm.

Rồi cuối cùng, tôi trở lại con phố quen để ngồi với bạn. Câu chuyện mất mát tương tự này tôi đã gặp nhiều nhưng không bao giờ nghĩ nó lại xảy ra với bạn mình. Tôi cảm giác mình như có lỗi, đồng thời cũng nhận ra mình còn may mắn biết bao.

Trong câu chuyện bạn kể, có một chi tiết cứ ám ảnh tôi mãi. Ðó là hình ảnh chiếc vòng cẩm thạch của mẹ bạn.

Cái đêm hôm ấy, khi nhập viện, một nữ bác sĩ trẻ yêu cầu phải cởi tháo hết mọi thứ trên người. Sạch sẽ rồi, chỉ còn hai chiếc vòng cẩm thạch trên hai cánh tay già nua. Ðó là hai chiếc vòng cẩm thạch gia truyền của dòng họ, nghe đâu có từ thời bà cố, sau tặng lại cho mẹ khi bà lấy chồng. Khi bạn tôi sinh ra thì đã thấy chiếc vòng ấy rồi.

Do chiếc vòng đeo từ trẻ tới già nên tháo ra rất khó, lúc đó lại không còn bình tĩnh nên không cách nào tháo được. Hai mẹ con năn nỉ bác sĩ: “Hay là cứ để vậy, nếu lỡ mất thì thôi”. Nhưng vấn đề không phải là mất hay còn. Vấn đề là phải tháo hết không còn một tí gì dính trên người. Nguyên tắc là vậy.

Nữ bác sĩ đưa cho chai xà phòng bôi trơn tháo được một chiếc vòng tay trái. Còn tay phải không cách nào tháo được. Càng cố tuột thì càng đau. Mẹ già ứa nước mắt. Lúc này một chiếc kìm không biết từ đâu đưa tới. “Ðập nó đi”, bác sĩ ra lệnh. Bạn cầm chiếc kìm đập mạnh vào chiếc vòng cẩm thạch. Ðập một lần không vỡ. Ðập hai lần chưa vỡ. Ðập lần ba. Chiếc vòng vỡ làm đôi.

Mừng quá, chiếc vòng chỉ vỡ đôi chứ không bể nát. Bạn mang hai chiếc vòng cẩm thạch về nhà, dùng keo dán chiếc vòng vỡ lại, chờ mẹ về như một phép mầu. Nhưng phép mầu đã không xuất hiện. Mẹ mất, bạn đặt hai chiếc vòng cẩm thạch lên bàn thờ. Mỗi khi thắp nhang, nhìn chiếc vòng lại nhớ mẹ, nhớ cha. Nhớ những ngày đầy ắp những kỷ niệm gia đình.

Tôi đi ra chợ Tân Ðịnh tính mua một ít trái cây mang qua thắp nhang cho cha mẹ bạn. Lúc đi bộ ra hẻm chợ, chợt nhớ những ngày tháng 8, tôi có chuyển khoản giúp một cô gái trẻ bán trái cây ngoài chợ này. Nhưng lúc dịch giã nặng nề, cô gái ấy đã về nhà ngoại ở Củ Chi tá túc. Cô nói khi nào hết dịch, đi chợ bán lại, sẽ nhất định mang trái cây tới cảm ơn tôi. Nhưng rồi từ đó tới nay không còn thấy liên lạc gì nữa. Tôi còn lưu số điện thoại của cô gái ấy nhưng cũng không thể nào nhớ tên là gì. Làm sao nhớ hết được hàng trăm con người mà gặp nhau chỉ trên đường dây điện thoại.

Bà bán trái cây quen nhìn thấy tôi thì mừng lắm, nói nay có bưởi ngon, lại có cả cành hoa bưởi rất thơm. Tôi đi mua bưởi cũng nhiều nhưng chưa lần nào gặp cành hoa bưởi còn tươi. Thế là tôi mua cặp bưởi mang qua đặt lên bàn thờ nhà bạn, thắp nén nhang thành kính.

Tôi ngạc nhiên và cảm động khi thấy bạn đặt cuốn “Viết từ thành phố lockdown” (tập sách in chung của tôi với bác sĩ Nguyễn Ngọc Anh; NXB Hội Nhà văn, 2021) trên bàn thờ. Cuốn sách là những ghi chép về thành phố trong đại dịch, giờ đã trở thành một mảnh ký ức, một di vật, dẫu những gì diễn ra còn như mới hôm qua.

Lần này, tôi có dịp nhìn ngắm kỹ hai chiếc vòng cẩm thạch. Tôi thấy nó thật đẹp. Chiếc vòng bị đập bể làm đôi, nối dán lại cũng rất khéo. Tôi không có chút kiến thức nào về trang sức. Khi nhìn chỉ thấy đẹp và thầm nghĩ, nếu như đây là cẩm thạch thật, tức là quà tặng từ thiên nhiên ban cho. Hóa ra con người ta rồi cũng thành tro bụi, chỉ có những mẩu thiên nhiên là còn lại.

Bạn tôi, từng rất bức xúc việc bác sĩ cứ khăng khăng bắt tháo chiếc vòng lúc “dầu sôi lửa bỏng” ấy, nay mới thấy thật đáng giá. Nếu không, bạn đã không còn giữ được kỷ vật của mẹ. Còn tôi thì nghĩ, nếu như có một khu tưởng niệm đồng bào mất vì đại dịch Covid-19 thì nơi ấy có thể đặt những món đồ như thế này, để gợi nhớ những mảnh ký ức sống. Ðể từ những đồ vật nhỏ bé có thể kể lên những câu chuyện thời đại.

Nhìn thấy cây đèn dầu, tôi thắp lên cho có ánh lửa. Lúc đó, trong không gian của phòng thờ, tôi nghe thấy mùi nhang khói và hương hoa bưởi bay thoang thoảng. Hai chiếc vòng cẩm thạch chợt xanh long lanh lạ kỳ.

Trần Nhã Thụy