Trong gần 4.000 ca nhập viện, số ca nặng/nguy kịch đang tăng. Hơn 3% còn lại (gần 4.000 ca) phải nhập viện điều trị. Nhiều ngày gần đây, TP Hà Nội ghi nhận trên dưới 15 ca tử vong do Covid-19 mỗi ngày. 

Lãnh đạo Sở Y tế cho biết bệnh nhân Covid-19 tử vong chủ yếu là người cao tuổi có bệnh nền thuộc nhóm nguy cơ và chưa tiêm vắc-xin ngừa Covid-19. Theo Sở Y tế TP Hà Nội, hiện tỉ lệ bao phủ tiêm đủ 2 mũi vắc-xin của thành phố với người trên 12 tuổi đạt hơn 99,5% và tỉ lệ tiêm mũi nhắc lại (mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên) gần 55%.

Bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế TP Hà Nội, cho biết trong bối cảnh số ca mắc mới liên tục tăng nhanh, mà hầu hết người mắc không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ và gần 100% dân số đã tiêm 2 mũi vắc-xin, ưu tiên trọng tâm của thành phố là bảo vệ, quản lý nhóm người nguy cơ cao (cao tuổi, có bệnh nền, chưa được tiêm vắc-xin) mắc Covid-19, đồng thời rà soát người nguy cơ cao chưa tiêm vắc-xin. 

Theo ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh – Bộ Y tế, việc theo dõi diễn biến số ca nặng, nhập viện là một chỉ số quan trọng để đánh giá mức độ dịch hiện nay. Cùng với đó, việc thống kê số ca mắc mới vẫn là yếu tố để địa phương theo dõi, quản lý ca bệnh. 

Liên quan việc học sinh trở lại trường học trực tiếp, Thành ủy Hà Nội yêu cầu Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 thành phố, các địa phương, Đảng ủy Khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội tăng cường phối hợp với các trường trong xây dựng, thực hiện, kiểm tra phương án bảo đảm an toàn trong công tác phòng chống dịch.

Ngày 17-2, Cục Quản lý dược – Bộ Y tế cho biết đã cấp giấy phép lưu hành có điều kiện cho thuốc điều trị Covid-19 Molnupiravir cho 3 công ty dược của Việt Nam. Ba công ty trong nước đầu tiên được cấp phép sản xuất thuốc kháng virus điều trị bệnh nhân Covid-19 là: Công ty TNHH Liên doanh Stellapharm VN, Công ty CP Dược phẩm Boston Việt Nam, Công ty CP Dược phẩm Mekorpha. 

Cấp phép sản xuất thuốc trị Covid-19 cho 3 công ty trong nước - Ảnh 1.

Thuốc kháng virus điều trị bệnh nhân Covid-19 – Ảnh minh họa

Theo lãnh đạo Cục Quản lý dược, sau khi được cấp phép có điều kiện, các công ty này sẽ phối hợp với các cơ sở điều trị thực hiện đúng những quy định hiện hành về thuốc kê đơn, theo dõi an toàn, hiệu quả, tác dụng không mong muốn của thuốc kháng virus trên người Việt Nam. Các đơn vị sản xuất phải kê khai giá thuốc và được thẩm định giá bởi cơ quan quản lý. Giá bán dự kiến thấp hơn nhiều so với nhập khẩu.

Cùng ngày, Bộ Y tế cho biết cả nước ghi nhận 36.200 ca mắc mới tại 62 tỉnh, thành phố, tăng 1.467 ca so với ngày trước đó. Trong ngày, 12 địa phương có số ca Covid-19 trên 1.000 trường hợp. TP Hà Nội ghi nhận thêm 3.893 ca mắc mới trong 24 giờ qua. Cùng với số mắc mới tăng cao, số ca mắc ngoài cộng đồng cũng tăng vọt với 25.345 ca. Đến nay, Việt Nam đã tiêm hơn 189,7 triệu liều vắc-xin ngừa Covid-19.

TP HCM: Số ca F0 tăng nhẹ trong trường học

Tại cuộc họp báo định kỳ về công tác phòng chống dịch trên địa TP HCM chiều 17-2, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP HCM, cho biết thành phố ghi nhận thêm 1 ca mắc Covid-19 nhiễm biến thể Omicron trong cộng đồng.

Tính đến thời điểm này, TP HCM có tổng cộng 166 ca Covid-19 nhiễm biến thể Omicron với 155 ca nhập cảnh, 11 ca phát hiện trong cộng đồng. Bà Mai cũng nhấn mạnh với nhóm trẻ học mầm non, tiểu học, cần đặc biệt chú ý đến cô giáo, bảo mẫu vì đây là nhóm có thể lây nhiễm cho trẻ. Trong khi đó, trẻ em không duy trì được việc đeo khẩu trang như người lớn.

Theo ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng Phòng Chính trị tư tưởng Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, số trẻ nhiễm bệnh có sự tăng nhẹ trong những ngày qua. Cụ thể, trong ngày đầu đến trường (14-2), ghi nhận 27 trường hợp F0, ngày 15-2, phát hiện 50 em mắc bệnh, ngày 16-2 có 86 em. Các trường hợp đều được xử lý theo quy trình, nhà trường vẫn bảo đảm duy trì dạy học.

H.Yến

N.Dung – B.H.Thanh