HYơn và vợ là GLan ở với nhau đã nhiều mùa rẫy nhưng cả hai lần sinh con đều không nuôi được. Lần thứ ba HYơn lo lắm. Anh đi cúng khắp nơi, nào là Yang O (thần ụ mối ), rồi Yang Suor (thần thổi)…
Thoát ra từ cõi chết
Thực hiện đủ lễ vật theo lời thầy cúng rồi, HYơn khấp khởi hy vọng. Đến tháng thứ 8, vợ chuyển dạ đẻ.
Nhưng dù đã cúng nhiều, hóa ra lại rủi hơn. GLan bị sót nhau, băng huyết. HYơn không đưa vợ đi bệnh viện, anh nghe lời người ta để vợ ở nhà cúng. GLan lên cơn sốt, hôn mê và đến 10 giờ hôm sau thì chết. Theo phong tục, dân làng sẽ chôn cả đứa con còn sống theo người mẹ, vì “để nó có cái bú”.
Hình như đoái thương đứa trẻ vô tội mà Yang cho vía nó cứng. Dù đã bị đè dưới lưng mẹ, nó vẫn khóc rất khỏe. Người ta phải đánh chiêng thật to để át đi.
Vợ chồng bác sĩ Nay BLum
Hôm đó, vừa xong một ca đỡ đẻ ở làng, bác sĩ Nay BLum và vợ là nữ hộ sinh HNơn (ngụ xã Gla, huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai) hay tin, lập tức mượn xe chạy đến. Rủi thay, nửa đường xe hỏng, vợ chồng anh phải bỏ xe lại để chạy bộ đến nơi. Thương người mẹ xấu số, thương đứa trẻ vô tội, vợ chồng Nay BLum quyết định xin đứa bé về nuôi. Sợ Yang phạt, họ hàng của HYơn lúc đầu không cho. HNơn phải năn nỉ thuyết phục mãi họ mới đồng ý.
Một hình hài dúm dó bọc trong mảnh chăn rách mướp, cáu bẩn, cân nặng chỉ 1,6 kg; dây rốn vẫn còn chưa cắt. Ai nhìn cũng ái ngại, lắc đầu. Quả thật, đứa bé chỉ sống được là nhờ tình thương yêu hết mình của vợ chồng Nay BLum.
Bấy giờ, trạm y tế xã chưa có lồng ấp. Đêm đến, vợ chồng Nay BLum phải cởi trần, thay nhau ấp bé vào lòng để có hơi ấm. Các bà mẹ người Bah Nar có tục kiêng cho con người khác bú nên ngoài sữa bò, bé không còn nguồn nào khác. Lương của vợ chồng Nay BLum bấy giờ ít lắm nên họ phải tạm gác nhiều khoản chi tiêu rồi bán cả tài sản đáng giá nhất là chiếc xe máy để lo sữa, cháo, thuốc thang cho bé. Chẳng thể nhớ bao lần bé ốm, vợ chồng phải thức trắng đêm chăm sóc.
Cứu sống bé là cứu sống một con người và để làm chết dần một tập tục lạc hậu. Không nói ra nhưng vợ chồng cùng chung ý chí. Sau lễ “khấn lấy con người” và được đặt tên là Nay Thum thì bé đã như cây măng nhú khỏi mặt đất. Các đốt ốm đau, bệnh tật thưa dần. Cái sắc xanh hé ra báo hiệu cây tre đang nứt lá ấy là đôi mắt Thum. Đôi mắt đen láy và tinh nghịch, không mảy may nghi ngờ rằng nó vừa mới thoát ra từ cõi chết.
Cố thêm chút nữa chẳng sao
Người Bah Nar có câu “nhà đổ không chỉ vì một cột”. Nhà ông Mít ở làng Tuơ Kla (xã Gla) đang có chuyện buồn. Vợ ông là bà Nhách chết chưa kịp bỏ mả thì ông bị bệnh phong. Tục lệ xưa nay ở đây, đã bị bệnh phong thì phải sống tách biệt dân làng.
Vậy là ông Mít lủi thủi vào rừng làm một cái chòi để ở, để bé Mới và Kưm ở lại, sống với đứa con đầu tên là Dư. Nhưng Dư đông con, nhà nghèo nên Mới và Kưm xem như chỉ ở nhờ nhà, cái ăn thì phải lo kiếm lấy.
Những đứa con nuôi của vợ chồng Nay Blum
Ngày ngày, hai đứa bé mang cái gùi còn cao hơn người đi nhặt phân bò rơi về bán. Chẳng được bao nhiêu nhưng thương cha, mỗi ngày chị em Mới cũng cố mang ra rừng cho cha chút gì đó. Hôm nào không xin ai được gì, cũng không kiếm gì được thì chị em chúng chỉ biết ăn lá mì luộc trừ bữa.
Một buổi chiều, sau mấy ngày mới kiếm được ít củ mì, Mới chạy mang ra rừng cho cha. Thấy cha không đốt lửa mà gọi mãi cũng chẳng thấy, Mới hốt hoảng đạp cửa vào chòi sờ sẫm trong bóng tối. Ông Mít nằm co quắp ở một góc sàn, người lạnh ngắt. Mới vừa chạy vừa khóc kêu làng.
Cứ tưởng ai cũng động lòng, vậy mà không. Có người còn nói ông Mít bây giờ đã thành người Pơ đa (xứ sở của người chết xấu), đi chôn hồn nó theo về ám làng thì khốn.
Mãi chiều hôm sau, mấy người can đảm trong làng mới chịu đến. Họ đào một cái huyệt ngay dưới chòi ông Mít ở, bảo con ông cột dây vào chân rồi họ kéo xuống hố, quáng quàng lấp đất rồi chạy về làng. Không ai dám ngoảnh lại vì sợ hồn ma ông Mít theo.
Ông Mít chết, giờ 2 chị em cứ ngơ ngác như gà mất mẹ. Ngày ông Mít còn sống, người ta lạnh nhạt với 2 đứa đã đành, giờ ông chết rồi, nỗi ám ảnh vẫn cứ theo mãi. Bé Mới ra giếng làng quay nước, người tránh, người ngăn không cho.
Nhìn cảnh đó, HNơn rớt nước mắt. Chị nói với chồng “con vật còn có người nuôi, ve vuốt. Con người sao mà khổ đến thế. Nhà mình nghèo thì cũng đã nghèo rồi, cố thêm một chút nữa cũng chẳng sao”. Vậy là vợ chồng Nay BLum cùng nhất trí mang 2 bé về nuôi.
Nhà nghèo nhưng được gọi “cha”, “mẹ”, không còn phải chịu cái nhìn dị nghị, xa lánh, chị em Mới như chồi non được nắng mặt trời. Được hơn 2 năm thì Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Gia Lai nhận cả 2 chị em về nuôi. Thương nhớ chúng lắm nhưng vợ chồng Nay BLum cố nén vì nghĩ chúng lên thành phố được chăm sóc, có điều kiện học hành hơn. Nào ngờ chỉ được một thời gian thì cả 2 đứa cùng trốn về. Hỏi thì chúng bảo “thương cha mẹ, thương cái nhà mình quá, không xa nổi”.
Tươi ròng từ cổ tích
Cũng bất hạnh như nhà ông Mít nhưng nhà Preh lại theo một nẻo khác. Preh có 2 chị em thì đều bị câm. Riêng Preh vừa câm vừa điếc. Được cái cô vẫn khỏe mạnh, đi làm rẫy xa như mọi người. Lợi dụng điều đó, một kẻ đã cưỡng hiếp cô có chửa.
Preh căm lắm, cô định kêu già làng đến nhận mặt, bắt hắn phải chịu phạt theo luật làng. Biết thế, kẻ kia đón đường dọa giết khiến Preh sợ quá nên thôi. Không biết nói để ai hiểu, ngày đi làm rẫy, tối về cô chỉ biết ngồi khóc bên bếp lửa. Đã không biết tội nghiệp thì thôi, đám trai làng lại đem Preh ra làm chuyện đùa cợt. Uất quá Preh ăn lá ngón toan tự tử, may có người nhìn thấy cứu được.
Đủ ngày tháng, Preh sinh được một đứa con gái. Thấy tội nghiệp, bà dì đem bé về nuôi giùm. Mất con, tật nguyền, không ai an ủi, Preh sinh dở người rồi mắc thêm bệnh quáng gà. Nguôi dần chuyện đàm tiếu, Preh bây giờ chỉ là con người thừa của làng. Chẳng ai thèm hỏi han, quan tâm đến cô.
Nhìn Preh nhiều hôm đi làm rẫy về, bước liêu xiêu như kẻ mộng du, thỉnh thoảng lại đâm quàng vào hàng rào dây thép gai, vợ chồng BLum thấy lòng đau nhói. Bây giờ cô ta còn khỏe mạnh, tự kiếm ăn được vì có đứa em giúp sức, không ai đoái hoài cũng chẳng sao nhưng vài năm nữa? Vả chăng, cái bệnh quáng gà kia làm sao tránh khỏi có lúc sa giếng sẩy cây.
Thương Preh, vợ chồng Nay BLum bàn bạc rồi quyết định đưa cả 2 chị em về nuôi. Nhà chật nhưng vợ chồng anh vẫn dành cho 2 chị em một phòng. Không chỉ cơm nước, quần áo thay ra HNơn cũng phải giặt giùm. Được chừng 3 năm thì nhà nước có chế độ trợ cấp cho người tàn tật, vậy là họ hàng Preh đón về nuôi. Dù vậy, thỉnh thoảng vợ chồng Nay BLum vẫn đến thăm, cho quà.
Cứ như là duyên phận, chỉ có HNơn là hiểu chị em Preh muốn nói gì. Cái thứ ngôn ngữ mù mờ ấy mà cứ mỗi lần hiển thị là HNơn hiểu ngay, 2 chị em lại cười khùng khục.
Không chỉ bằng kiến thức y học mà những việc làm nhân nghĩa của vợ chồng Nay BLum đã rọi sáng những khoảng đen của luật tục. Bây giờ thì người dân trong vùng không còn ai kỳ thị, xa lánh người mắc những căn bệnh một thời là nỗi hãi hùng hay tin vào những tục lệ u mê.
Một ngày đầu năm mới 2022, có dịp về công tác ở xã GLa, tôi đến thăm vợ chồng người thầy thuốc nhân hậu ấy. HNơn đã nghỉ hưu sau hơn 25 năm làm nữ hộ sinh tham gia đỡ hàng ngàn ca sinh “mẹ tròn con vuông”. Những đứa con nuôi mà ông bà chăm bẵm được học hành, dựng vợ gả chồng, giờ đã như bầy chim rời tổ. Chẳng thể gọi chúng về để chụp ảnh với cha mẹ nuôi, HNơn đành mang ra tấm ảnh chụp từ năm 2003.
Nhìn những đứa trẻ bụ bẫm, ăn mặc tươm tất, tôi thoáng chút sững sờ. Cảm giác chúng là những đứa trẻ bước ra tươi ròng từ cổ tích!
Tìm được người thân mới trả
Danh sách con nuôi của vợ chồng Nay BLum còn phải kể thêm cậu bé Dúi ở làng Vết, xã Kông Chiêng gần đó. Mẹ chết, cha bị lao, cậu bé cũng lây bệnh, sống quắt queo bữa đói bữa no trong sự xa lánh, ghẻ lạnh của người làng. Không ngần ngại, vợ chồng BLum đón về nuôi. Phải 8 tháng trời ngược xuôi chạy chữa, cậu bé mới rõ hình hài.
Ấy là chỉ kể những trường hợp vợ chồng Nay BLum chính thức nuôi nấng, còn những người được giúp đỡ, nuôi một vài tháng thì nhiều lắm. Không hiếm những trường hợp người điên, người mất trí lang thang trên đường, vợ chồng Nay BLum bắt gặp vẫn mang về nuôi cho đến khi tìm được người thân của họ mới mang trả.
CÁC ĐƠN VỊ TÀI TRỢ
NLĐO – Sức khỏe – RSS Feed
from WordPress https://ift.tt/3fjH6Bu
via Che Thai Nguyen, Tra Thai Nguyen
0 nhận xét:
Post a Comment